Có một dòng họ người Do Thái đang sở hữu tới hàng triệu viên kim cương. Cách đây hơn 100 năm, Ernest Oppenheimer đã bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh thần kỳ mà con cháu của ông đến nay vẫn tiếp tục. 

Là chủ sở hữu chính của tập đoàn sản xuất kim cương khổng lồ De Beers của Nam Phi - tập đoàn chiếm thị phần trên 70% sản lượng kim cương thế giới - dòng họ Oppenheimer vẫn đang chi phối và có thể nói đã khống chế thị trường kinh doanh kim cương thế giới. Từ hàng chục năm nay, tập đoàn De Beers vẫn bị cấm trực tiếp tham gia thị trường Mỹ vì nguy cơ độc quyền về giá kim cương. 

Mỗi năm tập đoàn De Beers sản xuất tới mười hai triệu cara kim cương. Mỗi cara tương đương với 0,2g. Năm 2003 vừa qua, De Beers đạt kỷ lục về doanh số bán kim cương với 5,5 tỉ USD. Tính ra mức tăng trưởng đạt tới trên 7% và De Beers cũng đạt kỷ lục về lợi nhuận ròng với 676 triệu USD. Hàng ngày có tới hàng nghìn viên kim cương lấp lánh được De Beers khai thác và tinh chế. 

Nhưng để đưa được những viên đá quí giá này tới được tay người tiêu dùng cần phải có cả một hệ thống tiêu thụ hoàn hảo. De Beers vừa bán buôn vừa bán lẻ các sản phảm của mình. Có lẽ chẳng có cửa hàng kim hoàn và đá quí nào lại không thấy có mặt hàng kim cương của De Beers, dù đó là Tiffanys, Cartier hay hệ thống cửa hàng sang trọng của LVHM. 

Và để làm được điều đó, De Beers đã không tiếc tiền để quảng cáo trên toàn cầu. Chỉ với Slogan "Một viên kim cương không bao giờ mất giá trị" mà mỗi năm tập đoàn kim cương De Beers chi tới 180 triệu USD để quảng cáo. Ngay tại Nam Phi hay ở Tokyo, London hay Hongkong người ta luôn đọc và nghe thấy Slogan quen thuộc này. 

Ngược dòng lịch sử 
Ernest Oppenheimer sinh năm 1880 và là con trai thứ năm của gia đình. Năm 1886, cha ông, một nhà buôn thuốc lá nhỏ đã gửi Ernest Oppenheimer sang Anh học nghề thư ký văn phòng. Ông được nhận học việc tại một cửa hàng kim hoàn, đá quí của nhà buôn Anton Dinkelsbuhler. 

Tuy vậy, Ernest Oppenheimer không hề được tiếp xúc với một chút gì liên quan đến vàng bạc, đá quí. Hàng ngày ông chỉ sắp xếp, ghi chép, chuẩn bị giấy bút, đồ dùng văn phòng cho người khác. 

Ernest lúc đó là cậu bé chăm chỉ, nhanh nhẹn, nhưng dường như chẳng có một dấu hiệu gì chứng tỏ ông có khiếu với nghề kinh doanh kim hoàn. Thậm chí, Ernest còn bị ông chủ gọi là anh chàng hậu đậu. 

Có lần do bơm mực vào bút không may để mực giây bẩn lung tung ra áo chủ, anh chàng hậu đậu Ernest Oppenheimer bị nhiếc mắng thậm tệ. "Đừng nói gì đến việc trở thành một người thợ kim hoàn, mà chỉ là một anh bồi bàn tử tế cậu cũng không làm nổi", ông chủ đã nói với Ernest như vậy. 

Đấy cũng là lần đầu tiên ông được nghe đến chữ kim hoàn và một nghề liên quan đến kim cương. Lúc đó bản thân Ernest cũng như tất cả mọi người có biết đâu rằng anh chàng hậu đậu ấy sau này trở thành một vị chúa tể kim cương trong cả thế kỷ 20. 

Ernest Oppenheimer lần đầu tiên sang Nam Phi năm 1902. Kể từ lúc đó ông biết đến kim cương. Xứ sở của kim cương đã có sức hút đặc biệt đối với Ernest Oppenheimer. Công ty khai thác khoáng sản De Beers lúc đó đã ra đời được một thời gian. Cũng vào năm đó, người sáng lập De Beers là Cecil Rhodes qua đời. Ông mong muốn được làm việc cho De Beers nhưng lúc đó là quá sớm với chàng trai mới ngoài 20 tuổi người Do Thái. 

Không được De Beers chấp nhận, ông quyết định chuyển hẳn sang sống ở thành phố Kimbeley, một trung tâm kim cương của Nam Phi lúc bấy giờ. Đất nước giàu có nằm ở cực Nam châu Phi trở thành quê hương mới của Oppenheimer từ đó. 

Với tài ngoại giao tài giỏi cùng với nhiệt tình của tuổi trẻ, ông đã có được những mối quan hệ xã hội rộng lớn. Oppenheimer lúc này chưa kinh doanh mà tham gia hoạt động xã hội. Ông được bầu là dân biểu, và sau đó là thị trưởng thành phố Kimbeley. 

Người biết chớp cơ hội kinh doanh 

Tưởng rằng Oppenheimer sẽ rất hài lòng và tiếp tục con đường làm chính khách đang rất thuận lợi của mình. Nhưng không, Oppenheimer đã phát hiện những cơ hội kinh doanh vàng và kim cương đang sắp bùng phát ở Nam Phi lúc đó. 

Năm 1916, ông đến Johannesburg, thành phố công nghiệp và thương mại lớn nhất Nam Phi để tính kế kinh doanh. Tại thời điểm này thì không phải là Oppenheimer tìm đến mà chính là tập đoàn De Beers phải đi mời ông về. Nhưng lời mời đến quá muộn, ông khéo léo từ chối bằng cách nói rằng nếu làm cho De Beers thì ít nhất là phải làm Tổng giám đốc ông mới nhận. Oppenheimer khi đó cũng không nghĩ rằng chỉ vài năm sau ông là chủ của tập đoàn này. 

Oppenheimer quyết định thành lập một công ty khai thác mỏ và kinh doanh kim cương, đá quí. Khác với đa số doanh nhân khác đều phải bắt đầu từ nhỏ thì ngay từ đầu Oppenheimer đã lập một công ty khá lớn lúc bấy giờ. Đó là Công ty Anglo - American Corp. Vào thời kỳ này rất nhiều mỏ vàng và kim cương được phát hiện ở Nam Phi đã làm bùng lên một làn sóng đầu tư dữ dội tại đây.

Tuy là một trong những người nhanh nhạy nhưng Oppenhimer cũng đủ thông minh để hiểu rằng mình chỉ xuất phát trước người khác có một bước chân. Hàng lớp người đang đổ xô đến với các mỏ vàng và kim cương. Với quyết tâm mãnh liệt, Oppenheimer quyết định phải đầu tư ngay thật mạnh để bứt lên trước. Ông tìm mọi cách để có được nguồn tài chính tối đa.

Và lúc này, tài ngoại giao, thương thuyết của ông đã bộc lộ trong cả kinh doanh. Ông đã thuyết phục được một trong những nhà tài chính lớn nhất thế giới tài trợ cho công ty mới thành lập của mình. Đó chính là nhà băng tư nhân nổi tiếng nhất của Mỹ, nhà băng J.P. Morgan.

Nhờ vào tiềm lực tài chính này mà công ty của Oppenheimer phát triển rất nhanh. Anglo-American Corp bỏ xa ngay các đối thủ cạnh tranh và bản thân Oppenheimer cũng nhanh chóng nổi tiếng và trở nên giàu có. Thành công đến với Oppenheimer nhanh một cách kỳ diệu nhưng không phải là bất ngờ.


Oppenheimer có tham vọng rất lớn và biết cách để đạt được tham vọng đó. Từ những năm 1920 trở đi, ông mở rộng địa bàn khai thác và kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Nam Phi. Đầu tiên là các vùng lân cận như Rhodesien, Angola, Namibia, rồi sau đó là các vùng xa hơn như Công-gô hay Tanzania. Với tốc độ tăng trưởng đến chóng mặt, Anglo-American Corp đã trở thành một trong những công ty khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới.

Tuy thế, vẫn không từ bỏ tham vọng thủa hàn vi, Ernest muốn có được tập đoàn De Beers và muốn là người sở hữu nhiều kim cương nhất. Với rất nhiều tiền, Oppenheimer cứ mua dần cổ phiếu của tập đoàn này cho đến khi nắm được đa số cổ phần thì mới hài lòng. Và cái gì đến cũng phải đến. Oppenheimer đã trở thành Chủ tịch của cả tập đoàn De Beers chuyên về kim cương.

Nắm một lúc hai tập đoàn lớn nhất về khai thác khoáng sản và kim cương, Oppenheimer đã trở thành một nhân vật có thế lực cực lớn ở Nam Phi lúc đó. Không những thế ảnh hưởng của ông đến thị trường kim cương thế giới cũng là quá lớn. Oppenheimer đã từng chứng minh sự chi phối hoàn toàn của mình đối với thị trường kim cương khi vào những năm 1930 ông không bán kim cương ra mà chỉ thu gom lại bằng hết. Khắp nơi người ta gần như không còn nhìn thấy những hạt kim cương sáng chói vì lúc đó Oppenheimer đã nắm tới trên 90% kim cương của thế giới.

Để tránh tiếng là người định đoạt hoàn toàn giá kim cương, Oppenheimer đã cho lập ra một câu lạc bộ những nhà kinh doanh kim cương gồm 118 người. Nhưng thực chất là ông vẫn chi phối được hết. Chính vì vậy mà từ lúc này, Oppenheimer bắt đầu gặp rắc rối với chính quyền Mỹ. Ông bị phán quyết là độc quyền và không được kinh doanh trực tiếp tại thị trường Mỹ.

Tham vọng và quyết tâm

Bên cạnh khả năng nhạy bén kinh doanh hiếm có, Oppenheimer còn là một doanh nhân vô cùng tham vọng và đầy quyết tâm. Ông có tham vọng làm chúa tể trong lĩnh vực kim cương thì ông đã đạt được điều đó. Những cản trở từ nước Mỹ vẫn không hề làm giảm bớt tham vọng của ông. Oppenheimer quyết tâm giữ bằng được ngôi vị chúa tể của mình.

Và chính điều này đã trở thành một triết lý, là quan điểm kinh doanh của cả tập đoàn dòng họ Oppenheimer sau này. Các con và cháu cũng đã làm tất cả để giữ được thế độc quyền mà ông đã gây dựng. Những chiến lược kinh doanh mà cha con Oppenheimer đã thực hiện đã từng gây chao đảo cả thị trường kim cương thế giới. Cứ một mỏ kim cương lớn nào được phát hiện ở châu Phi là tập đoàn của Oppenheimer tìm cách mua ngay, kể cả với giá rất cao. Khi Liên xô cũ cần tiền phải bán kho kim cương dự trữ thì cũng chính tập đoàn này đã mua sạch một lúc. Nhờ đó mà Oppenheimer vẫn khống chế được giá kim cương ở mặt bằng cao.

Sự hào phóng đến liều lĩnh của tập đoàn kim cương nhà Oppenheimer còn được thể hiện rất rõ ở cái cách mà họ thu hút nhân tài. Con trai Ernst Oppenheimer học ở trường Đại học Oxford danh tiếng. Và tập đoàn này luôn tuyển được những nhân vật xuất sắc nhất từ Oxford. Với những mức thù lao hậu hĩnh, cha con nhà Oppenheimer luôn có được một dàn các nhà quản lý cực kỳ xuất sắc. Nhiều chuyên gia đã nhận định, tập đoàn kinh doanh của Oppenheimer chính là một trong những tập đoàn đa quốc gia đầu tiên và được quản trị rất thành công.

Tài năng kinh doanh của ông chủ và sự xuất sắc của cả một đội ngũ quản lý cấp cao chính là bí quyết quan trọng nhất mang lại thành công cho tập đoàn đa quốc gia khổng lồ này. Hàng chục năm không được trực tiếp kinh doanh trên đất Mỹ nhưng tập đoàn De Beers và nhà Oppenheimer vẫn có nhiều cách để tiếp cận thị trường này.

Thông qua các trung gian thứ ba, De Beers vẫn là nhà cung cấp kim cương lớn nhất. Gần đây nhất, trong năm 2004 tập đoàn đã có những đàm phán thành công để được trực tiếp bán buôn và bán lẻ kim cương tại thị trường kim cương lớn nhất thế giới này. Một loạt các cửa hàng trang sức sang trọng tại New York và Los Angeles đã được De Beers chọn lựa và ký sẵn hợp đồng đại lý chính thức. 

(Theo Internet)