Viên ruby sao của Việt Nam Đá quý Việt Nam được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1980 của thế kỷ trước với các phát hiện ruby, saphia đầu tiên tại Lục Yên vào năm 1987 trong quá trình lập bản đồ địa chất. Tiếp theo đó là các phát hiện khác về aquamarin, topa, tuamalin, jadeit, nephrit, beryl, thạch anh, opan, canxedon,…có thể nói Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn về loại hình khoáng sản này, tuy nhiên việc quản lý, khai thác, sử dụng vẫn còn nhiều bất cập và cần nhiều sự điều chỉnh. 
 
Các mỏ ruby và saphia
Khu vực Yên Bái:
 
Các phát hiện đầu tiên về khoáng vật corindon vào những năm 50 của thế kỷ trước do các nhà địa chất phát hiện trong quá trình thành lập bản đồ địa chất 1/500.000 lãnh thổ Việt Nam (do nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm chủ biên). Tuy nhiên, khi đó chúng ta mới chỉ biết được đó là khoáng vật corindon bình thường và chưa ai biết được giá trị thực của chúng ra làm sao. Ngay từ thời xa xưa, tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã tồn tại một địa danh mang tên chợ Ngọc (khu vực này hiện nay đang nằm dưới lòng hồ Thác Bà) và người ta kể lại rằng những dòng suối chảy qua khu vực trên được bắt nguồn từ Dãy Núi Con Voi chảy xuống khi đó những viên ruby màu đỏ kích thước lớn nằm rải rác dọc theo các dòng suối và người ta thường nhặt về bày trong tủ kính hoặc cho trẻ em chơi. Nếu như có mổ gà, mổ vịt ở khu vực này thì vẫn thỉnh thoảng phát hiện được ruby trong dạ dày của chúng. Cho mãi đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước chúng ta mới biệt được giá trị thực của ruby khi mà có những phát hiện lớn tại Lục Yên và người Thái bắt đầu sang Việt Nam để thu mua với giá rất cao.
 
 
Ruby faxet mỏ Lục Yên (Yên Bái)
 
 
 
Ruby sao mỏ Yên Bái (viên bên phải nặng 520cts)
 
 
 
Saphia kích thước nhỏ mỏ Lục Yên
 
 
 
Ruby cabochon mỏ Yên Bái
 
 
 
Tinh thể ruby trong đá hoa mỏ Lục Yên
Các mỏ ruby thuộc tỉnh Yên Bái nằm rải rác dọc theo quốc lộ 70 kéo dài từ thị xã Yên Bái lên huyện lỵ Lục Yên, với các điểm mỏ nổi tiếng như Tân Hương (nơi khai thác được viên ruby Ngôi sao Việt Nam nặng 2.58kg và hiện được coi là báu vật Quốc gia, một mảnh vỡ nhỏ của viên này nặng 290cts được bán đấu giá năm 1999 với giá 290.000USD), Trúc Lâu (nơi khai thác được viên ruby sao nặng 1.96kg và cũng được coi là báu vật Quốc gia) và Lục Yên (hiện nay các hoạt động khai thác vẫn đang tiếp tục). Tại Tân Hương ta có thể gặp ruby, spinen. Tại Trúc Lâu cũng thường là ruby sao và spinen, còn tại Lục Yên thì ngoài ruby, saphia ta có thể gặp nhiều loại đá quý khác như spinen, tuamalin, amazonite, granat,….
 
 
Khai thác công nghiệp tại mỏ Tân Hương (1997)
 
 
 
Khai thác ruby thủ công dọc theo quốc lộ 70
 
 
 
Chợ đá quý Lục Yên năm 1998
 
Mỏ ruby Quỳ Châu:
Mỏ ruby Quỳ Châu được phát hiện vào cuối những năm 80 của thế kỷ 20, và ngay từ thời đầu tiên hoạt động khai thác ồ ạt và trái phép của dân đã diễn ra trên một diện tích rộng thuộc các xã Châu Bình, Châu Hồng,…với các điểm mỏ nổi tiếng như đồi Tỷ (nơi phát hiện được những viên có giá trị tiền tỷ) và đồi Triệu (nơi phát hiện những viên có giá trị tiền triệu) (tên các địa danh này do giới đào đá đặt). Về mặt chất lượng, ruby mỏ Quỳ Châu thuộc vào loại ruby đẹp nhất trên thế giới (tương đương với ruby mỏ Mogok của Mianma). Màu đẹp, độ bão hoà màu cao và độ tinh khiết cao. Tại đây khai thác được viên ruby nặng 56cts và bán đấu giá được 560.000USD vào năm 1994. 
 
 
Ruby Quỳ Châu (VIGEGO khai thác năm 1996)
 
 
Hố Tỷ (hiện tại) nơi hàng trăm người dân đã bị chôn vùi vào năm 1992
Lịch sử khai thác tại khu vực đồi Tỷ mang nhiều đau thương và chết chóc. Vào đầu những năm 90 tại đây mỗi ngày có hang nghìn người từ các nơi kéo đến đào đãi để mong được đổi đời và chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Để rồi một vụ sập hầm đau thương đã xảy ra khiến hơn 100 người bị vùi lấp ở độ sâu hơn 80 mét.
 
Miền nam Việt Nam
 
Các mỏ saphia miền nam Việt Nam được phát hiện rộng rãi tại các tỉnh Đak Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai,…chúng phân bố chủ yếu trong các tầng phong hoá của đá basalt. Tại Đak Nông, Đá Bàn gặp các tinh thể saphia có kích thước lớn (đường kính 30-40mm) với màu lam đậm và các màu khác thường gặp là lục, lục lam,…tại Tiên Cô còn gặp loại saphia màu vàng mật ong. Tỷ lệ loại trong suốt có chất lượng ngọc thường chỉ vào khoảng 1-5%, còn phần lớn chúng là loại không có chất lượng ngọc. Mặc dù kích thước tinh thể lớn nhưng độ trong suốt rất kém và do vậy không thích hợp cho sản xuất hàng trang sức.
 
Ngoài ra tại các khu vực EaHleo, Đơn Dương, Vân Hoà đôi khi cũng phát hiện được các hạt ruby có kích thước nhỏ, màu đỏ hồng, hồng, da cam. Ruby ở đâu có màu khá đẹp độ trong suốt tương đối cao, tuy nhiên kích thước hạt bé nên không thích hợp để làm đồ trang sức.
 
 
Saphia miền nam Việt Nam
Kim cương
 
Cho đến nay vẫn chưa phát hiện đươc kim cương trên lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên các kết quả khảo sát địa chất đã cho thấy các tiền đề về địa chất tại vùng Tây Bắc Việt Nam và một số tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể là các biểu hiện của các đá lamproïtes (lamprophyr kiềm) tại Tây Bắc với các đai mạch kimberlit tại Tây Nguyên.
 
 
Nhiều khả năng để phát hiện kim cương tại Việt Nam trong tương lai
 
Emerald
 
Cũng giống như kim cương, cho đến nay emerald và chrysoberyl vẫn chưa phát hiện được ở Việt Nam tuy nhiên theo các nhà địa chất học thì các thành tạo và cấu trúc địa chất tại một số khu vực thuộc Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) và Mỏ Ngọt (tỉnh Vĩnh Phúc), cũng như một số khu vực tại tỉnh Hà Giang giáp với biên giới Trung Quốc có triển vọng với loại đá quý này. 
 
Beryl và aquamarin được phát hiện nhiều ở Việt Nam
 
   cũng là một tiền đề cho việc phát hiện emerald