Khi việc sử dụng trang sức gắn kim cương trở thành xu hướng của giới trẻ và những bộ kim cương trị giá đến hàng triệu USD khẳng định đẳng cấp của các “đại gia” thì cũng là lúc thị trường kim cương Việt Nam dậy sóng.
Dẫu đầy tiềm năng nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường kim cương Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “mập mờ”!
Một số chuyên gia khẳng định phần lớn kim cương trên thị trường hịên nay đều không có nguồn gốc rõ ràng, nếu làm thật sẽ không có lãi. Kim cương nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu thông qua đường hàng không và biên giới phía Nam (Campuchia, Thái Lan…).
Mảnh đất màu mỡ
Việt Nam không có mỏ kim cương, nguồn cung đều phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá kim cương trong nước cũng tăng tỷ lệ thuận với thế giới.
Hiện nay, nguồn kim cương cung ứng cho thế giới chủ yếu được khai thác ở Châu Phi, Canada, Australia, Nga. Trong đó Châu Phi chiếm khoảng 60% sản lượng kim cương thế giới.
Cũng giống như giá vàng, giá kim cương thế giới liên tục tăng trong khoảng thời gian gần đây do nhu cầu về kim cương tăng trung bình khoảng 5%/năm, trong khi đó nguồn cung chỉ tăng 1%/năm.
Theo thống kê của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, hằng năm nhu cầu kim cương phục vụ sản xuất hàng trang sức của Việt Nam ước tính trị giá trên 300 triệu USD và còn tiếp tục tăng cao.
Nếu chỉ làm một phép so sánh đơn thuần với thị trường rộng lớn và có tốc độ tiêu thụ kim cương tăng hàng đầu thế giới là Trung Quốc, năm 2007 nhập khẩu khoảng 900 triệu USD thì Việt Nam cũng là mảnh đất màu mỡ để phát triển thị trường kim cương.
Hàng năm, đặc biệt vào mùa cưới, các Công ty kinh doanh vàng tung ra thị trường hàng loạt mẫu trang sức có gắn kim cương như nhẫn cưới, dây chuyền. Đi đầu là các thương hiệu trang sức nổi tiếng như PNJ, SJC, DOJI…
Đáng chú ý, đầu năm 2008, Công ty vàng bạc Đá quý và Đầu tư thương mại DOJI đầu tư xây dựng Diamond House - trung tâm kim cương lớn nhất Việt Nam tại Hà Nội.
Việc kinh doanh kim cương của nhiều DN xem ra khá phát đạt nhưng “thành tích” lại không được nhắc nhiều bởi nó luôn là vấn đề nhạy cảm. Xuất xứ của nguồn nguyên liệu kim cương tại Việt Nam rất đa dạng, trong đó một số lượng không nhỏ được nhập từ nhiều nguồn không chính thức.
Tranh tối tranh sáng
Từ năm 2005, Bộ Tài chính đã giảm thuế suất nhập khẩu kim cương từ 1% xuống còn 0% nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất đồ trang sức trong nước nhưng trên thực tế việc nhập khẩu kim cương qua con đường chính ngạch khá hạn chế.
Nhiều DN, khách hàng vẫn phải mua kim cương trôi nổi trên thị trường do đặc thù của kim cương có giá trị cao, dễ vận chuyển ( nhỏ gọn) nên các đối tượng buôn lậu có thể dễ dàng “qua mặt” cơ quan quản lý.
Đã có không ít vụ buôn bán kim cương bị bắt với giá trị lên tới hàng trăm nghìn USD nhưng có lẽ đó chỉ là một phần rất nhỏ ở bề nổi của tảng băng chìm.
Theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam: Trở ngại lớn nhất đối với các DN nhập khẩu kim cương là hải quan thu ngay tại cửa khẩu 10% thuế GTGT. Số tiền này được hạch toán vào chi phí làm cho giá bán mặt hàng này lên quá cao vì kim cương là mặt hàng có giá trị rất cao không phảI là đồ trang sức phổ biến như vàng.
Mặt khác, thời gian tiêu thụ kim cương lâu, tính thanh khoản không thể bằng vàng. Nếu nhập kim cương với số lượng lớn DN sẽ “chết vốn”, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngoài giá trị tự thân thì một trong những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị gia tăng cho kim cương đó là nguồn gốc xuất xứ, trình độ chế tác, khả năng tiếp thị…
Là một thị trường giàu tiềm năng nhưng khi xuất xứ của các sản phẩm kim cương vẫn là điều bí ẩn, khi đội ngũ cũng như trình độ chế tác kim cương vẫn còn thiếu và yếu thì vẫn chưa thể phát huy và khai thác tối đa lợi thế. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội rất tốt để các DN thể hiện năng lực trong thời gian tới.