Nga vừa tiết lộ một thông tin có thể làm rung chuyển thị trường kim cương toàn cầu đến tận gốc rễ: họ đã phát hiện mỏ khổng lồ chứa kim cương chất lượng cao đang nằm bên dưới hố thiên thạch ở Siberia, với số lượng phải lên đến hàng nghìn tỉ carat, đủ để cung cấp cho thế giới trong 3.000 năm tới.
Thông tin về núi kim cương ở Nga có thể thay đổi hoàn toàn thị trường thế giới - Ảnh: Reuters
|
Theo ITAR-Tass, hố thiên thạch Popigai, đường kính 100 km và nằm ở vùng phía bắc hẻo lánh của Nga, đã được hình thành từ 3,7 triệu năm trước sau khi một tiểu hành tinh bề ngang từ 5 - 7 km đâm xuống bề mặt trái đất. Vụ va chạm đã tạo ra một mỏ đầy kim cương thuộc dạng đặc biệt, được tạo ra khi một vỉa kim cương có sẵn bị một vật thể khổng lồ đâm vào với tốc độ khủng khiếp.
Theo Christian Science Monitor, Nikolai Pokhilenko, Giám đốc Viện Địa khoáng Novosibirsk cho hay những kim cương trên cứng gấp 2 lần kim cương bình thường, là nguồn cung cấp lý tưởng cho các mục đích công nghiệp và khoa học. Ông cũng tuyên bố rằng số kim cương bên dưới có thể lớn gấp 10 lần dự trữ toàn cầu, tức cả nghìn tỉ carat. Một carat tương đương 200 mg, là đơn vị đo lường chuẩn dùng cho đá quý và khoáng chất.
Tính đến nay, Popigai là hố va chạm lớn thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Chicxulub (bên dưới bán đảo Yucatan ở Mexico), Sudbury (Canada) và Vredefort (Nam Phi). Theo ITAR-Tass, chính phủ từ thời Liên Xô đã phát hiện mỏ đá quý trên vào những năm 1970 trong một sứ mệnh khoa học, nhưng đã quyết định giấu kín vì đang có ý định phát triển ngành kim cương nhân tạo.
Họ cũng không muốn khuấy động thị trường thế giới và làm giảm giá trị của mỏ Mirny ở Đông Siberia, vốn đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Moscow, với khả năng cung cấp cả chục triệu carat mỗi năm vào giai đoạn đỉnh cao. Đây cũng là hố khai thác lớn thứ hai thế giới, và trực thăng bị cấm bay qua miệng hố để tránh trường hợp bị hút vào. Tuy nhiên, hiện mỏ Mirny đã không còn hoạt động do lợi nhuận giảm, nên Moscow muốn quay lại nghiên cứu hố Popigai.
Trong hơn 1 thế kỷ kể từ khi phát hiện mỏ kim cương ở phía nam châu Phi, lúc đó là thuộc địa của Anh, Tập đoàn de Beers, trụ sở tại Luxembourg, đã thành công khi thống trị thế giới kim cương do kiểm soát được 80% nguồn cung trên toàn cầu. Thế độc quyền đã đã bị phá vỡ vào năm 2000, khi các nước như Nga và Úc bắt đầu phát hiện và sản xuất kim cương từ các mỏ đá quý của mình, khiến thị phần của de Beers giảm xuống còn 45%. Nếu mỏ Popigai đúng như lời đồn, ngành kim cương thế giới sẽ chứng kiến những sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt nếu như chất lượng của nó tốt như tuyên bố của Giám đốc Pokhilenko.
Theo new.yahoo.com