Trong phần I, tác giả đã giới thiệu tiềm năng của các đá quý nhóm I (kim cương, ruby, saphia và emerald). Trong phần II này tác giả sẽ cập nhật tiềm năng của một số loại đá quý nhóm II (berin, aquamarin, topaz, spinen,...).
Đá quý nhóm II (còn gọi là đá bán quý)
Berin và aquamarin
Các phát hiện đầu tiên của aquamarin và topaz ở Việt Nam là tại Xuân Lẹ (Thường Xuân, Thanh Hoá) vào năm 1985 trong quá trình lập bản đồ địa chất khu vực Bắc Trung Bộ của Liên đoàn địa chất IV. Aquamarin phân bố trong các đai mạch pegmatit có chiều dài hàng trăm mét và chiều rộng từ 0,40m đến 5,0m. Các khóang vật đi kèm bao gồm thạch anh, feldspar kali, plagioclas, muscovit, biotit. Trong các đai mạch pegmatit này còn gặp tuamalin màu đen (loại này đục thường không có giá trị trang sức) kích thước khá lớn, ngoài ra còn gặp topaz và zircon. Aquamarin ở đây thường có dạng tinh thể lăng trụ sáu phương, màu xanh nước biển nhạt đến xanh da trời, trong suốt. Kích thước tinh thể thường có chiều dài từ 5-20cm, đường kính từ 1-6cm. Các sa khoáng chứa aquamarin phát triển rộng rãi trong khu vực và là nơi dân địa phương khai thác.
Ngoài Xuân Lẹ, berin, aquamarin còn phát hiện được nhiều trong trong trường pegmatit Thạch Khoán (Vĩnh Phúc). Berin ở đây thường từ trong suốt tới bán trong suốt, kích thước thay đổi mạnh, nhưng thường gặp nhất là kích thước 1-4cm đường kính, chiều dài từ 10-30cm (ảnh dưới). Cá biệt nhiều khi gặp các tinh thể có kích thước rât lớn, cũng tại đây vào năm 1999 đã phát hiện được một tinh thể berin có trọng lượng 75kg (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Địa chất). Các khóang vật đi kèm có thể gặp gồm tuamalin, thạch anh, mica, granat,…
Aquamarin Vĩnh Phúc
Topaz
Đi cùng với aquamarin là topaz chúng cũng phát triển trong các thân mạch pegmatit.Theo tài liệu của các nhà địa chất (năm 1995) trữ lượng topaz tại mỏ Xuân Lẹ ước chừng khoảng 41,53 tấn. Topaz thường có kích thước khá lớn, bị rạn nứt mạnh do quá trình vận chuyển trong sa khoáng. Màu sắc thường là không màu, đôi khi gặp màu vàng nhạt khá thích hợp cho việc sản xuất hang trang sức.
Ngoài ra, một loạt các điểm topaz khác cũng được phát hiện tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) và một số khu vực khác tại Yên Bái.
Tuamalin
Các kết quả khảo sát địa chất đã phát hiện được các thân pegmatit chứa tuamalin tại Lục Yên (tỉnh Yên Bái), tuy nhiên tuamalin có giá trị trang sức lại được khai thác chủ yếu trong sa khoáng, còn bản thân tuamalin phát triển cùng với thạch anh, mica và đôi khi là topaz trong các thân mạch pegmatit lại có chất lượng ngọc rất thấp (chỉ thích hợp cho mẫu sưu tập). Trong sa khoáng tuamalin có chất lượng ngọc được khai thác cùng với ruby, saphia tại các bãi bồi aluvi, chúng có màu sắc rất đa dạng lục, nâu, vàng, hồng và đen. Một đặc điểm hay gặp của tuamalin ở đây là tính phân đới màu. Theo chiều dài tinh thể ta gặp các màu hồng, tím và lục vàng xen kẽ nhau, và theo lát cắt ngang từ trong ra ngoài ta cũng gặp tính phân đới tương tự. Tỷ lệ tuamalin để mài faxet là rất thấp, hầu hết chúng thích hợp cho mài cabochon hoặc điêu khắc, số còn lại làm mẫu sưu tập.
Tuamalin Lục Yên
Mới đây (năm 2008) một loạt các phát hiện tuamalin tại Bắc Kạn. Tuamalin ở đây thường có màu hồng nhạt, lục nhạt và đen. Nhiều khi cũng gặp các tinh thể có tính phân đới màu giống tuamalin Lục Yên. Độ trong suốt thường từ bán trong tới đục và cũng không thích hợp cho việc mài faxet.
Spinen
Spinen chất lượng ngọc được khai thác cùng với sa khoáng ruby và saphia tại Lục Yên, Tân Hương (Yên Bái) và Quỳ Châu (Nghệ An). Tại Tân Hương và Quỳ Châu thường gặp spinen có màu đỏ, hồng đỏ tới hồng, độ trong suốt cao kích thước tinh thể khá lớn và rất thích hợp cho việc làm hàng trang sức. Trong các sa khoáng tại Lục Yên cũng gặp loại spinen có màu đỏ và hồng đỏ, tuy nhiên nhiều khi ta cũng gặp loại spinen có màu đỏ phớt nâu hoặc màu lam (rất dễ nhầm với saphia).
Trong đá gốc gặp các tập đá hoa chứa spinen phát triển rộng rãi tại mỏ Lục Yên. Spinen thường có màu đỏ, đỏ phớt nâu, nâu phớt tím. Tinh thể dạng bát diện, kích thước tinh thể rất thay đổi từ 0,5cm tới 4-5cm, đục và ít có giá trị trang sức chỉ thích hợp làm mẫu sưu tập. Các khoáng vật đi cùng với spinen bao gồm pagasit, humit, dolomite,…
Spinen các màu mỏ Lục Yên
Spinen trong đá gốc cùng với humit (màu vàng)
Zircon
Zircon được khai thác nhiều trong các sa khoáng liên quan tới basalt miền nam Việt Nam và chúng thường đi kèm với saphia tại Kon Tum, Đak Lak, Gia Lai, Lâm Đồng và Bình Thuận. Chúng thường là không màu, nâu nhạt, đỏ nâu, cam nhạt và đôi khi có màu vàng nhạt. Loại kích thước bé độ trong suốt thường cao hơn loại kích thước lớn. Kích thước các tinh thể thường gặp từ 0,2cm – 1,5cm.
Peridot
Peridot được khai thác chủ yếu tại hai mỏ Hàm Rồng và Biển Hồ (Lâm Đồng), chúng thường có màu lục olive tới màu lục vàng với kích thước tinh thể nhiều khi tới 2x4x4cm. Tuy nhiên loại thường gặp nhất là từ 0,6-1,5cm. Trong sa khoáng peridot thường có độ rạn nứt cao, tỷ lệ sử dụng để sản xuất hàng trang sức khoảng 15-20%, số còn lại thường có kích thước nhỏ hoặc rạn nứt mạnh thích hợp cho sản xuất tranh đá quý.
Peridot mỏ Hàm Rồng
Thạch anh, opan, canxedon
Các biến thể thuộc nhóm thạch anh được phát hiện tại nhiều nơi, nhưng chủ yếu cũng là liên quan tới các trường pegmatit lớn. Thạch anh pha lê và thạch anh ám khói được khai thác nhiều tại Xuân Lẹ (Thanh Hoá), Thạch Khoán (Vĩnh Phúc) và Kỳ Sơn (Nghệ An). Thạch anh màu tím (ametit) gặp nhiều tại Đơn Dương (Lạng Sơn) và Gia Lai tuy nhiên chúng thường có kích thước nhỏ và màu nhạt. Thạch anh đen (morion) gặp ở Lộc Tân (Lâm Đồng). Thạch anh hồng được khai thác nhiều tại Đà Nẵng và một số tỉnh Tây Nguyên và chúng thích hợp cho việc sản xuất hàng mỹ nghệ.
Opan, canxendon được khai thác nhiều tại một số tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum,…). Tỷ lệ opan thường rất ít, và chúng thường có màu không đẹp cũng như độ trong suốt không cao. Canxedon gặp nhiều hơn và gặp ở nhiều màu khác nhau: trắng đục, nâu, vàng, lục xám, đỏ,…và các dải màu xen kẽ nhau. Kích thước các khối canxendon nhiều khi tới hang tấn hoặc hang chục tấn. Trong những năm gần đây một khối lượng lớn loại này đã được khai thác và sử dụng làm mẫu trưng bày, đá phong thuỷ, tỷ lệ dung được để sản xuất hang trang sức rất thấp.
Thạch anh hồng (Đà Nẵng) và canxedon các màu khác nhau (Tây Nguyên)
Ngọc trai
Việt Nam có vùng biển dài và rất thích hợp cho việc nuôi cấy nọc trai. Hiện nay, ngọc trai được nuôi cấy chủ yếu tại Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Nha Trang (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang). Việc nuôi cấy ngọc trai tại Việt Nam được bắt đầu từ khá sớm (vào những năm 60 của thế kỷ trước) và với công nghệ của Nhật Bản. Hiện tại ngoài 01Công ty của Việt Nam đang nuôi cấy tại Quảng Ninh thì các Công ty còn lại tại Hải Phòng, Khánh Hoà, Kiên Giang đều là công ty 100% Nhật Bản.
Về màu sắc, ngọc trai nuôi cấy tại các vùng biển của Việt Nam thường có màu trắng, vàng nhạt. Một số nơi tại Phú Quốc đã cho ngọc trai màu đen giống loại ngọc trai vùng Biển Bắc. Kích thước viên ngọc thường 5-8mm, loại lớn hơn 9mm hiếm hơn.
Ngọc trai Hạ Long
Một số loại đá quý khác
Jadeit và nephrit: Ngọc jadeit và nephrit đã được phát hiện tại Cò Phương (Sơn La), trong các đá biến chất cao thuộc cấu trúc sông Mã. Tuy nhiên về chất lượng chúng thường có màu xấu (lục rất nhạt đến trắng đục) và chứa nhiều bao thể tạp chất, thích hợp cho việc sản xuất hàng mỹ nghệ điêu khắc, việc làm hàng trang sức thì hầu như không thể.
Tektit: Tektit được phát hiện nhiều nơi ở Việt Nam từ bắc đến nam. Loại kích thước lớn thường được tìm thấy tại Kon Tum, Lâm Đồng và Phú Quốc. Một số khu vực tại biên giới giữa Việt Nam và Lào cũng là những nơi phát hiện nhiều tektit.
Fluorit: Fluorit được khai thác nhiều tại hai khu vực là Xuân Lãnh (Phú Yên) và Đông Pao (Lai Châu). Vềmàu sắc chúng thường có màu lục nhạt, tím nhạt hoặc các màu xen kẽ giữa chúng. Kích thước các tinh thể nhiều khi tới 10cm độ trong suốt từ bán trong tới đục. Loại trong suốt có thể mài faxet để sản xuất hang trang sức, loại đục thường được dùng để làm tranh đá quý.
Amazonit: Là biến thể màu lục của nhóm feldspat gặp nhiều trong các thân pegmatite vùng Lục Yên (Yên Bái) chúng thường đi cùng với tổ hợp khoáng vật tuamalin, thạch anh và mica. Kích thước các tinh thể nhiều khi tới 5-10cm chiều ài và 3-4 cm đường kính. Loại trong suốt có thể mài faxet để sản xuất hàng trang sức, loại đục thường được làm mẫu sưu tập hoặc mài cabochon, điêu khắc mỹ nghệ.
TS. Phạm Văn Long
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiểm định Đá quý và Vàng