Đồ ngọc xuất hiện đầu tiên trên đất nước ta vào hậu kỳ thời đại đá mới. Tuy nhiên, phải đến giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên và giai đoạn sơ kỳ thời đại đồng thau, vào khoảng 3500 năm đến 4000 năm cách ngày nay, thì đồ ngọc mới trở nên thịnh hành và chiếm một vị trí thịnh vượng trong xã hội cổ. 
 
Đồ ngọc xuất hiện đầu tiên trên đất nước ta vào hậu kỳ thời đại đá mới. Trong các văn hóa đá mới ở vùng ven biển Đông Bắc - văn hóa Hạ Long hay văn hóa đá mới ở vùng núi phía Bắc như văn hóa Hà Giang, văn hóa Mai Pha, các nhà nghiên cứu khảo cổ đã tìm thấy các sản phẩm làm bằng đá nephrite màu vàng, trắng, màu xám xanh dưới dạng những chiếc vòng chuỗi, vòng tay có mặt cắt hình chữ nhật, chữ D hay hình tròn nhỏ nhắn, xinh xắn. Ngoài ra, còn có khuyên tai có khe hở và có đường ren đều tăm tắp như hình vành khăn hay những hạt chuỗi ó hình trụ dài, đẹp, được mài bóng, khoan chính xác từ hai mặt lại, có mặt chuỗi dài từ 2 đến 12cm. Tuy nhiên, phải đến giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên và giai đoạn sơ kỳ thời đại đồng thau, vào khoảng 3500 năm đến 4000 năm cách ngày nay, thì đồ ngọc mới trở nên thịnh hành và chiếm một vị trí thịnh vượng trong xã hội cổ.
Đồ ngọc trong tiền sử chủ yếu tồn tại dưới 3 loại hình: đồ trang sức, công cụ và vũ khí, vật biểu tượng tinh thần và tôn giáo. Vũ khí được dùng trong các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên bao gồm các di vật đặc biệt như qua đá, nha chương, các mũi nhọn, mũi tên, dao đá. Trong số này, có không ít các di vật được chế tạo bằng đá ngọc với kỹ thuật tinh tế, trình độ cao.
Ở một chuyên khảo về loại hình đặc biệt có tên gọi là Nha chương trong văn hóa Phùng Nguyên đã được phát hiện ở độ sâu hơn 1m của tầng văn hóa. Di vật này được làm bằng đá nephrite, rất giống đá nguyên liệu ở công xưởng Tràng Kênh. Những chiếc Nha chương phần nào chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc, đồng thời cũng là bằng chứng cho thấy, ngoài việc tự chế tạo ra các sản phẩm đá ngọc mang phong cách văn hóa của mình, người Phùng Nguyên còn tiếp thu các sản phẩm đá ngọc của văn hóa láng giềng, làm phong phú thêm những gì mình đã có.
Đồ ngọc phổ biến hơn cả ở giai đoạn này là trong văn hoá Phùng Nguyên. Các công cụ hay đồ trang sức thuộc văn hóa này đều được chế tạo bằng ngọc bích. Văn hóa Phùng Nguyên có hơn 60 di chỉ phân bố trong một phạm vi rộng khắp đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu là dọc theo lưu vực các con sông lớn chảy từ phía Bắc xuống sông Hồng, sông Đà. Ở văn hóa này, các loại hình di tích rất đa dạng, từ di chỉ cư trú, mộ táng đến các di chỉ xưởng sản xuất công cụ lao động và đồ trang sức. Ngay trong văn hóa này, nhiều loại nguyên liệu đá được sử dụng như đá bazan, Diabazan, Spilite... nhưng phổ biến và đặc trưng hơn cả vẫn là đồ ngọc Nephrite và Jadiete. Theo nhiều tài liệu của các nhà khảo cổ học, thì người Phùng Nguyên cũng sử dụng hỗn hợp cả hai loại đá này trong cùng mục đích chung là chế tạo công cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức, trong đó đồ trang sức vẫn là sản phẩm chủ yếu.
Điều này chứng tỏ, người Việt cổ đã biết khai thác, tìm kiếm đá ngọc, một loại đá quý hiếm để chế tạo ra các sản phẩm có giá trị không chỉ cho mình mà còn có giá trị trên thương trường khu vực. Tuy nhiên, không phải cho đến tận giai đoạn Tràng Kênh với niên đại 3500 năm cách ngày nay đồ ngọc mới xuất hiện trên địa bàn cư trú của người Việt mà ngay trong các văn hóa đá mới, như văn hóa Hạ Long ở ven biển Đông Bắc Việt Nam, văn hóa Bầu Tró ven biển miền trung hay trong các di tích thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới cũng đều đã tìm thấy khá nhiều di vật được chế tác bằng đá ngọc.
Phần lớn những vật đeo này được chế tạo từ những mẩu đá ngọc còn thừa trong các chế tác khác chứng tỏ sự sáng tạo của con người trong văn hóa này. Hạt chuỗi được người Phùng Nguyên sử dụng là những hạt chuỗi hình ống, nhiều chiếc có chiều dài tới 8-9cm nhưng lỗ khoan rất nhỏ. Nhiều hạt được mài vắt chéo ở hai đầu như thể đó là vật chủ trong một chuỗi hạt của người Tràng Kênh. Ngoài ra, hạt chuỗi dạng hạt cườm mỏng cũng rất phổ biến.
ước sang một giai đoạn mới, khi đời sống con người được cải thiện, ngoài nhu cầu mưu sinh phục vụ cuộc sống hàng ngày, các cư dân Việt cổ đã biết tự trang điểm cho mình bằng những vật đeo được ghè đẽo, tận dụng từ những mảnh đá ngọc còn lại sau khi chế tạo công cụ. Điều này thể hiện bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của những cư dân này.
Tại các di chỉ Phùng Nguyên, hơn 500 vòng các loại và gần 50 hiện vật khác như khuyên tai, hạt chuỗi vật đeo v.v… cũng đã được thu thập. Đặc trưng chủ yếu của đồ trang sức Phùng Nguyên là thanh mảnh, nhẹ nhàng, mặt cắt của vòng cơ bản là các loại hình chữ D, hình chữ nhật dẹt, mỏng, hình vuông, hình tròn mà tiêu biểu là vòng hình chữ T được coi như một đặc trưng nổi bật của nền văn hóa này và giai đoạn này.
Nói đến đồ ngọc trong văn hóa Phùng Nguyên, chúng ta không thể không nhắc đến hai di chỉ xưởng có qui mô lớn, hiện diện ở đồng bằng Bắc bộ là di chỉ xưởng chế tạo đồ trang sức đá ngọc Tràng Kênh - Hải Phòng và Bãi Tự - Bắc Ninh. Chủ nhân của hai di chỉ này là những người thợ chế tác đồ ngọc có tiếng và có vị trí nhất định thời bấy giờ. Sản phẩm mà những người thợ này làm ra được lưu hành rộng rãi trong xã hội thời đó như bảo chứng của một thời kỳ thịnh hành của đồ ngọc.
Sau nhiều cuộc thám sát và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã đi đến một kết luận, ngọc Nephrite được sử dụng rất phổ biến như một loại nguyên liệu chủ đạo của hai di chỉ xưởng này. Tiếp nối truyền thống đồ ngọc từ hậu kỳ đá mới, qua nền văn hóa đồ ngọc nổi tiếng Phùng Nguyên, vào các giai đoạn phát triển khác nhau, đồ ngọc vẫn tồn tại những số lượng của nó không nhiều. Sang thời kỳ văn hóa Đông Sơn, dường như đã có một sự thịnh vượng trở lại đối với đồ ngọc.Ở giai đoạn này, chất lượng của đá ngọc đặc biệt tốt hơn, màu sắc đẹp hơn, do đó, nó có giá trị hơn về mặt kinh tế.
Loại hình đồ ngọc trong văn hóa Đông Sơn cũng rất chuyên biệt, rất ít vòng tay, hạt chuỗi mà phổ biến nhất là khuyên tai. Đó là những chiếc khuyên tai loại dẹt, rộng bản, có mép ngoài vát tròn hoặc nhọn. Về mặt màu sắc, khuyên tai có màu ngọc đậm, loại được làm bằng đá Nephrite sáng màu không có nhiều nhưng xuất hiện khuyên tai làm bằng đá quarzt.
Rõ ràng là, cho đến văn hóa Đông Sơn, người Việt cổ lại quay trở lại với truyền thống xa xưa tưởng chừng suy tàn khi đồ đồng xuất hiện và chiếm lĩnh vị trí ưu thế trong đời sống xã hội cổ. Cùng thời với văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, tại miền trung và miền Nam còn có văn hóa Sa Huỳnh. Trong văn hóa này, đồ ngọc được chế tạo dưới dạng những chiếc khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu. Đây là hai loại di vật đặc trưng nhất của văn hóa Sa Huỳnh.
Về mặt kỹ thuật chế tạo, khuyên tai ở văn hóa Sa Huỳnh khác với cách thức chế tạo khuyên tai ở văn hóa Đông Sơn, mặc dầu đây là hai nền văn hóa này tồn tại trên cùng bình tuyến thời gian. Về mặt chất liệu, đá ngọc ở văn hoá Sa Huỳnh cũng có nhiều màu sắc khác biệt với các văn hóa khác, nhưng cũng có sự giao lưu, trao đổi với bên ngoài mạnh mẽ hơn.
Trong nhiều mộ chum của văn hoá Sa Huỳnh các nhà khảo cổ đã tìm thấy khuyên tai hai đầu thú, đồng thời ở vùng ven biển hải đảo và một số nước trong khu vực Đông Nam Á cũng tìm thấy một số loại khuyên tai thuộc giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh được làm bằng đá nephrite.
Ở văn hóa Sa Huỳnh, kỹ thuật cưa không phát triển nhưng những kỹ thuật mài, tu chỉnh và đánh bóng khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu chiếm nhiều thời gian trong quá trình chế tác. Qua các giai đoạn xuất hiện, tồn tại và phát triển của đồ ngọc thấy rõ một truyền thống chế tác, sản xuất đồ ngọc ở Việt Nam. Những người thợ thủ công ngay từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên đã tỏ ra có một trình độ cao trong kỹ thật chế tạo các sản phẩm đồ ngọc.
Về nguồn nguyên liệu, cho đến nay, chưa có bằng chứng rõ ràng về mỏ hay các dấu vết khai thác đá ngọc trong thời tiền sử Việt Nam. Song có thể thấy, đồ ngọc trong giai đoạn Phùng Nguyên khác biệt với đồ ngọc trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn, điều đó chứng tỏ nguyên liệu ngọc được khai thác ở các khu vực khác nhau.
Nếu như trong giai đoạn Phùng Nguyên, kỹ thuật cưa, cắt đá ngọc là một kỹ thuật được sử dụng chủ yếu trong thao tác, nhưng trong giai đoạn Đông Sơn, kỹ thuật này ít được sử dụng, quy trình chế tạo phần lớn là kỹ thuật ghè, tu chỉnh, còn kỹ thuật khoan được sử dụng phổ biến ở cả hai giai đoạn này, nhưng có những công đoạn khác biệt nhau. Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng, kỹ thuật chế tác đá ngọc dường như đã có những trao đổi, giao lưu trong thời tiền sử ở các khu vực khác nhau.
Nhìn lại tiền sử Việt Nam, đã có ba trung tâm được hình thành và phát triển. Đó là các trung tâm cư trú, sản xuất nông nghiệp và sản xuất thủ công như Trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trung tâm đồng bằng Bắc Trung Bộ và trung tâm đồng bằng miền Đông Nam Bộ. Nhưng nghề chế tác đồ ngọc trong tiền sử Việt Nam lại có mặt tại khu vực trung tâm đồng bằng Bắc Bộ ngay từ giai đoạn rất sớm - cuối thời đại đá mới sang đến sơ kỳ thời đại đồng thau. Qua các thời kỳ thịnh vượng, nghề chế tác đồ ngọc đã trở thành nghề thủ công phát triển nhất và có những lan toả nhất định về kỹ thuật và trao đổi về sản phẩm trong cộng đồng người Việt cổ từ đồng bằng Bắc Bộ đến khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam.
 
                               (Nguyễn Kim Dung, Tạp chí KHẢO CỔ HỌC số 4 năm 1998, tr.23-40)